Tên tuổi Thiếu tướng Lê Quảng Ba đã trở thành huyền thoại với nhân dân căn cứ địa cách mạng Việt Bắc một thời. Năm 1972, nhà văn Đỗ Quang Tiến đã cho ra mắt tập truyện “Vòm trời biên giới” viết về tuổi trẻ Lê Quảng Ba với những chiến công và tài năng mưu trí khi đấu súng, đấu trí với những trùm phỉ để bảo vệ an toàn căn cứ Trung ương Đảng.
Lúc đầu, Nguyễn Ái Quốc dự định trở về nước theo tuyến đường sắt Côn Minh – Lào Cai, nhưng rồi cầu Hồ Kiều bị máy bay Nhật đánh sập, ý định về nước theo hướng Lào Cai không còn. Nguyễn Ái Quốc tìm hướng mới: Cao Bằng. Người thanh niên 26 tuổi, quê ở bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, đã được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ đón và đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ cao cấp về nước.
Cuối năm Canh Thìn (1940), trời rét, Lê Quảng Ba dẫn cả đoàn gồm 41 người được huấn luyện trong lớp quân sự của Trương Bội Công (do Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm làm trợ giáo), đi gấp về phía biên giới. Quá trưa thì đoàn đã gần tới Lục Tùng cách Tĩnh Tây trên 20 cây số. Hai ngày sau, đoàn dừng chân lại ở làng Nậm Quang và Ngàm Tẩy để tuyên truyền vận động quần chúng. Gần một tháng sau ông Nguyễn Ái Quốc cũng về tới Nậm Quang. Tại đây đoàn được dự một lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc đặt chương trình và trực tiếp chỉ đạo. Các ông Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, biên soạn chương trình và trực tiếp giảng dạy.
Tiết xuân trời đẹp, đoàn ăn cơm sớm ở Nậm Quang, chào bà con, rồi lên đường. Trong bộ quần áo chàm Nùng, Nguyễn Ái Quốc như gầy hơn. “Ngước nhìn gương mặt sạm sương gió của Người, lúc này tôi mới chỉ nhận thấy một dáng vẻ ung dung, điềm tĩnh, rất thân quen”, Thiếu tướng Lê Quảng Ba kể lại trong hồi ký.
Ông dẫn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc theo những vệt đường mòn, lượn giữa các nếp núi tiếp nối nhau ở vùng biên giới hướng về Cao Bằng. Nguyễn Ái Quốc cầm một cây gậy nhỏ, chân bước mau lẹ, dẻo dai như một thanh niên. Vừa đi đường vừa nói chuyện. Lê Quảng Ba kể lại với Nguyễn Ái Quốc tin tức mới nhận được qua thư các đồng chí Cao Bằng mới gửi sang. Câu chuyện làm cho quãng đường như ngắn lại. Đoàn vượt lên một đoạn dốc ngắn rồi xuống một sườn núi dài lởm chởm đá, hoa lau dọc sườn núi phớt nâu rung rinh trong nắng. Lê Quảng Ba đã nhận ra cây mậy rẫy (cây si) xum xuê như một cây đa cổ thụ, mọc không xa mốc đá 108. Mốc đá như một tấm bia, hai mặt có khắc chữ Trung Quốc và chữ Pháp.
Hôm đó là ngày 28 tháng 1 năm 1941. Tròn 30 năm xa nước, Nguyễn Ái Quốc trở về mảnh đất quê hương.
Lê Quảng Ba cùng các đồng chí đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước ngày 28-1-1941. Tranh sơn dầu của họa sĩ Trịnh Phòng.
Ngoài nhiệm vụ được đoàn thể cách mạng giao cho là đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước đầu năm 1941, Lê Quảng Ba còn là người chịu trách nhiệm nơi ăn, chốn ở, nơi họp và bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Khuổi Nặm (Pác Bó – Cao Bằng).
Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Đồng thời, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt và Việt Minh) “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.
Trước đó, từ cuối mùa đông năm 1939, đầu năm 1940, Lê Quảng Ba và Trần Sơn Hùng (tức Thiếu tướng Hoàng Sâm sau này) được giao nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Những câu chuyện này và nhiều “huyền thoại” khác về họ vẫn được kể bên bếp lửa đỏ của người Tày, người Nùng, người Dao ở Việt Bắc… Nhà báo Hoàng Thế Dũng, nguyên Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, đã ghi lại trong hồi ký của Thiếu tướng Lê Quảng Ba những câu chuyện này.
Năm ấy, ở Hà Quảng, Cao Bằng cũng như nhiều năm trước, có không ít bọn phỉ cướp phá. Đội du kích được thành lập và phát động phong trào phòng, chống phỉ để canh giữ thôn, bản và dự kiến nhiều phương án đối phó nếu phải chạm trán với chúng. Một yêu cầu đề ra cho đội du kích là: Vạn bất đắc dĩ mới đối đầu với chúng.
Bọn phỉ cũng biết đội du kích và cả 2 cán bộ lãnh đạo: ông Lê (tức Lê Quảng Ba) và ông Trần (tức Hoàng Sâm). Nhằm thị uy, trấn áp, thăm dò lực lượng xem cái gan hai ông này thế nào, để đối phó, làm ăn, chúng bày mẹo mời thi uống rượu, thi bắn súng.
Một hôm, trời quang, mát mẻ, chúng kéo quân về Pác Bó, đặt 1 khẩu trung liên trên đồi, chiếm điểm cao, 2 khẩu còn lại, 1 đặt trước, một đặt phía sau Pác Bó, sẵn sàng nhả đạn. Vào nhà một quần chúng cách mạng, tên trùm phỉ Lỷ Síu bảo: “Tao biết ông Trần, ông Lê là Cộng sản ở gần đây. Mày báo cho hai vị là Lỷ Síu, muốn mời hai vị đến uống rượu chơi!”.
Tin về đội du kích ở Pác Bó. Sau khi bàn bạc thống nhất, một mình một súng pặc-khoọc, cán bộ Trần Sơn Hùng đàng hoàng bước vào ổ phỉ.
Sau màn đấu rượu, ông Trần uống hết bát này, cạn bát khác, thì ông Lê cũng tới. Xong tiệc, trùm phỉ mời 2 vị xuống núi dạo chơi. Đến một cây si to, Lỷ Síu dừng lại: “Tài bắn súng của ông Lê đã lừng danh thiên hạ, bách phát bách trúng, tôi vốn có lòng hâm mộ. Hôm nay được hội ngộ, xin được ông chỉ giáo cho”.
Lê Quảng Ba khiêm tốn: “Họ nói thế thôi chứ, ông Trần đây mới đáng là đàn anh của chúng tôi. Nhưng nếu ông đã có lời, tôi không dám chối từ. Xin mời ông…”.
Lỷ Síu chỉ vào một vạch tròn trên cây si bảo, “hồng tâm ở cây si”, rồi giơ súng, bóp cò. Viên đạn chạm vào cách điểm tâm vài phân. Lê Quảng Ba rút súng bắn ngay. Tên trùm phỉ hoảng vía: “Ôi! Đúng hồng tâm rồi!…”.
Họ rủ nhau đi tiếp. Gặp một bụi nứa nhỏ, Lỷ Síu lại thách: “Tôi với ông Lê bắn cây hóp to nhất nhé!”.
Tuy là một tay bắn cừ, hai tay như nhau, thường ngày, tên phỉ này ít bắn sai, nhưng hôm nay bị “ma ám” nên hắn bắn không được. Viên đạn của hắn chỉ chạm vào cạnh cây hóp, để lại một vết xước nhỏ.
Đến lượt ông Lê, khẩu súng chĩa nhanh về phía bụi cây, xen vào tiếng đạn nổ là tiếng “đốp”, một dóng cây hóp nứt toạc ra. Lỷ Síu mặt tái lại: “Quả là danh bất hư truyền”.
Chừng vẫn chưa chịu, trùm phỉ lại chỉ một cây đu đủ trước mặt, cách xa chừng năm, sáu chục mét, nói lạc giọng: “Ta bắn quả chín lồi ra…”
Lê Quảng Ba lại nhã nhặn nhìn sang Lỷ Síu: “Mời ông bắn trước”.
Lần này, Lỷ Síu cẩn thận hơn, từ từ nâng súng lên, nheo mắt, bóp cò. Viên đạn xuyên qua quả đu đủ, hạt đen rơi vãi xuống…
Lê Quảng Ba khen: “Giỏi lắm! Giỏi lắm!… Tôi xin phép lấy nó xuống. Chín rồi mà…”.
Tỳ súng lên khuỷu tay trái, Lê Quảng Ba nhằm cuống quả đu đủ. Đạn nổ, quả đu đủ bị đạn trúng cuống, rơi bịch xuống đất. Bấy giờ, tên trùm phỉ vã mồ hôi trán. Nó ấp úng: “Tôi thật là… đứng trước Thái Sơn mà không biết. Xin bái phục, bái phục!”.
Tiếp ngay sau đó, kết thúc màn thi ném lựu đạn, Trần Sơn Hùng ném 4 quả 4 lần trúng đích, Lỷ Síu ném 4 quả, 4 lần ra ngoài. Như con thú say máu, Lỷ Síu lại thách ông Lê: “Tôi với ông thi bắn súng trường chứ?”.
Lê Quảng Ba ra lệnh cho đội viên dưới quyền: “Về kho, chọn một khẩu súng trường Bỉ ra đây”. (Thực tế, gia tài của cả đội du kích chỉ có độc một khẩu súng trường Bỉ mà thôi!). Ba lần Lỷ Síu bắn đều trượt, còn ba phát đạn của Lê Quảng Ba đều trúng hồng tâm. Chắp tay vái chào “kính lễ” xin có dịp tái ngộ, trùm phỉ ra lệnh rút quân.
Thế là rừng Pác Bó từ đó không thấy trùm phỉ Lỷ Síu xuất hiện. Và chuyện “đấu rượu, đấu súng” đã làm cho tất cả bọn phỉ biên giới “cạch mặt” hai ông “tướng Việt Minh” và đội du kích của đoàn thể Việt Minh được lan truyền khắp nơi. Sợ uy Việt Minh, một số nhóm phỉ khác trong vùng cũng phải dạt đi nơi khác.
Thập Vạn Đại Sơn là một dãy núi non trùng điệp hùng vĩ ngăn đôi hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc. Đầu năm 1948, đồng chí Trang Điền được chỉ thị của đồng chí Chu Ân Lai sang Việt Bắc gặp các đồng chí lãnh đạo nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng đã tiếp phái viên Trang Điền ở Lục Giã (Thái Nguyên).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký về sự kiện này như sau: “Đồng chí Trang Điền thông báo tình hình chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc. Quân Tưởng tăng cường càn quét những lực lượng vũ trang cách mạng ở Hoa Nam để củng cố hậu phương. Những đơn vị du kích của bạn đang gặp khó khăn và thiếu lương thực. Bác và chúng tôi bàn với phái viên của bạn về sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai quân đội cách mạng”.
Sau đó, Bộ chỉ huy chiến dịch chung được thành lập: Đồng chí Lê Quảng Ba làm Tư lệnh chiến dịch; đồng chí Trần Minh Giang, cán bộ của Quân giải phóng Trung Quốc, làm Chính trị ủy viên. Bộ chỉ huy chiến dịch lấy phiên hiệu là Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn.
Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn chia làm hai mặt trận. Mặt trận thứ nhất là Điền Quế do đồng chí Nam Long (sau này là Trung tướng) làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Bình, cán bộ Quân giải phóng Trung Quốc, làm Chỉ huy phó; đồng chí Đỗ Trình (sau này là Trung tướng) làm Chính trị viên. Mặt trận thứ hai là Long Châu, do đồng chí Thanh Phong, Phó tư lệnh Liên khu 1, làm Tư lệnh; đồng chí Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74, và đồng chí Long Xuyên (sau này là Đại tá), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, làm Phó Tư lệnh.
Đầu tháng 6-1949, bộ đội ta xuất phát theo hai hướng: Một hướng từ Cao Bằng, Lạng Sơn vượt biên giới sang khu vực Long Châu; một hướng từ Lạng Sơn, Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) sang khu vực Khâm Châu, Phòng Thành.
Trước khi đoàn lên đường sang Thập Vạn Đại Sơn giúp bạn, tháng 5-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Tư lệnh chiến dịch Lê Quảng Ba với dòng chữ: “Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi”.
Dược sĩ Phùng Thị Sâm, người chiến sĩ quân dược trong đoàn hơn 70 năm sau nhớ lại: “Khi đến cột mốc biên giới là đã nằm ở dưới chân núi Việt Nam lâu rồi và vượt qua đèo lên đỉnh núi để sang bên phía Trung Quốc thì gặp cột mốc biên giới. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ nguyên cột mốc cao 1,5 mét, rộng độ 0,8 mét, một bên có chữ Pháp: “Frontiére Sino – Anamite” (tức là Biên giới Trung Quốc – Việt Nam)”.
Những người lính quân dược xuất thân trí thức đều say mê ca hát. Ông Phó Bá Long, người phụ trách tổ quân dược, rút súng ra gõ lên báng. Các “nữ ca sĩ quân dược” Phùng Thị Sâm, Thạch Thị Trinh, Nguyễn Thị Anh Tân đồng thanh hát: “Ta mơ trần gian lấp san bằng hết biên thùy/ Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới”.
Chiến đấu dũng cảm, kỷ luật nghiêm, Quân tình nguyện Việt Nam đi đến đâu cũng được khen ngợi: “Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường ác liệt…”. Mũ mõm trâu là một kiểu mũ đan được dùng phổ biến trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Trong niềm vui xây dựng vùng đất mới giải phóng, Đại tướng Chu Huy Mân kể lại trong hồi ký: “Nhân dân Hạ Đống, Long Châu đốt pháo chào mừng quân giải phóng. Việt kiều ta ở đây mang bánh, hoa, gửi tặng cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, họ vui mừng khôn xiết”.
GS Đặng Hanh Phức, người lính quân dược trong Chiến dịch Thập vạn Đại Sơn, dù đã ngoài 90 tuổi vẫn nhớ sau chặng đường hành quân gian khổ, sau những trận đánh cân não với quân thù, Tư lệnh Lê Quảng Ba lại dành những phút thư giãn để tham gia đánh bóng bàn (ping poong) cùng những người lính của mình.
Cuối tháng 9-1949, cơ quan lãnh đạo khu Thập Vạn Đại Sơn đã liên lạc được với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trên đường Nam hạ. Việt Nam chỉ để lại một đại đội tiếp tục phối hợp làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở và đánh địch ở vùng biên giới giữa hai tỉnh Quảng Đông và Hải Ninh (Việt Nam). Quân tình nguyện Việt Nam được lệnh rút về nước. Bằng công sức và xương máu của mình, bộ đội ta đã trực tiếp góp một phần, tuy khiêm tốn nhưng rất quý báu và vẻ vang, vào sự nghiệp giải phóng Trung Quốc.
Để có được những chiến thắng vẻ vang ấy, hàng chục chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã nằm lại trên đất Trung Quốc. Hàng chục chiến sĩ khác bị thương. Dù hy sinh mất mát, bộ đội Việt Nam đã làm tròn nghĩa vụ quốc tế, được nhân dân Trung Quốc yêu mến, hết lòng giúp đỡ. Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn tổng kết chiến dịch có nhận định: “Thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều”. Trong đó, không thể quên công lao của Thiếu tướng Lê Quảng Ba.