Ông tên tự là Cổ Đam, tên huý là Thận Ngôn, người làng Thọ Vực, xã Bút Sơn, sau di cư đến làng Cát Xuyên, xã Hoằng Cát sinh sống[1]. Ông sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc. Ông tổ xa đời là Ngọc Cử, làm quan triều Lê trung hưng, được đặc biệt tiến phong: Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty, chỉ huy Đồng tri, tước Toàn Tài hầu. Công danh nổi rõ một thời cùng với Trạch Đức hầu họ Nguyễn[2] trong làng. Con cháu đời đời được hưởng tập ấm, họ hàng quan cao, chức trọng bắt nguồn từ đây. Tộc họ bắt đầu có người đỗ đạt từ Hương cống Lê Trọng Tân[3]. Cha là Cử nhân Lê Huy Tùng, hiệu là Song Bút Phong, một người có tính tình nghiêm khắc, ít nói cười, thường dạy con sống nhân đức, lấy đức hạnh làm đầu, làm Tri phủ phủ Kỳ Anh, được tặng “Phụng thành đại phu”.
Từ thuở nhỏ, Thận Ngôn đã được cha dạy cho điển lễ thi thư, hơn nữa lại xuất thân trong một gia đình lễ giáo thi thư nên ông học và tiếp thu tri thức rất nhanh[4]. Khi thi trúng tú tài được cha gửi đi đến học với Cử nhân Đỗ Dưỡng Hiên ở làng Nghĩa Sơn, một danh Nho đức cao vọng trọng, để học tập[5], được thầy khen ngợi là người thông minh, đức độ, cho ở lại nhà ăn học và gả cho ông người con gái thứ hai. Việc học hành tiến tới hàng ngày, ít người bì kịp. Khoa thi năm Mậu Ngọ (1858) đời vua Tự Đức ông lại thi trúng tú tài. Tiếp ba năm dùi mài kinh sử, khoa thi năm Tân Dậu đời vua Tự Đức thứ 14 (1861) ông thi đỗ Cử nhân. Một năm sau đi thi Hội ở Huế, vì giúp người bạn họ Trần ở Sơn Tây nên nộp bài chậm bị để ra ngoài hạn. Sau đó được bổ làm Giáo thụ phủ Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Không lâu bị bệnh được quan Án sát Ngự sử Võ Trọng Bình[6] đến thăm và cho về dưỡng bệnh. Sau đó lại bổ thụ cho nhận chức Giáo thụ phủ Quảng Hoá. Tháng giêng năm sau ông lên nhận chức, đến ngày 23 tháng 5 thì bị bệnh nặng mất ở nơi làm quan, thọ 63 tuổi, được truy tặng Hàn Lâm viện kiểm thảo, ban cho tên thuỵ là Cung Doãn.
Lê Thận Ngôn là một danh nho nổi tiếng, đức độ, nhân từ, luôn có chí khí cất nhắc người tiệm tiến, giúp đỡ kẻ khốn cùng. Ông còn là người thầy dậy dỗ nhiều môn đồ sau này thành đạt như: Tri phủ Lê Huy Lương người làng Vĩnh Trị, Tri huyện Đỗ Xuân Đỉnh người làng Nghĩa Sơn, Tri phủ Nguyễn Huy Dĩnh người cùng làng…vv. Trong tập sách “Hành trạng lược truyện” tại dòng họ còn ghi sự việc khi ông lên nhận chức giáo thụ phủ Quảng Hoá các môn đồ ở quê đi theo lên phố Ráng học ông có đến hàng trăm người. Lúc bấy giờ tại làng Đông Biện tức làng Bồng Trung thuộc địa hạt Quảng Hoá có ông Tống Duy Tân cũng đến xin theo học, được ông dạy thành tài sau thi đỗ đầu xứ. Ông còn bỏ tiền giúp đỡ học trò nghèo, việc ông làm đã làm động lòng đến quan Tri phủ Quảng Hoá là Mai Xuân Tín[7] cũng bỏ tiền lương bổng của mình vào việc giúp đỡ học trò nghèo.
Với cha mẹ, ông luôn là người có hiếu, một lòng kính thầy. Cụ Dưỡng Hiên là thầy dạy đồng thời là bố vợ của ông, tính tình rất nghiêm, ít người dám đến gần thế mà ông ở cùng thầy hơn 10 năm. Những tác phẩm của người thầy ông đều biên tập lại, nghĩ rằng công ơn dậy dỗ kèm cặp sâu đậm của thầy, đâu có so được với những học trò bình thường khác. Sau khi cụ Dưỡng Hiên mất, vì gia đình không có con trai, tất cả mọi việc ma chay chôn cất ông đều đứng ra lo liệu, sau đó treo ấn quan xin về nhà cư tang bố vợ 3 năm. Trong làng trong xã hãy nhắc đến chuyện dâu rể đều lấy ông làm gương sáng cho mọi người.
Đối với anh em, ông rất mực thương yêu. Người em ruột là Kính Thúc, khi cha mất hãy còn nhỏ, ông thay cha răn dạy người em, nhờ vậy mà người em đậu được Tú tài. Trong họ tộc lúc đó có người cháu là Lỗ Bảo (Lê Huy Phan), ở Thọ Vực, nhà rất nghèo lại mồ côi cha. Ông đưa về Cát Xuyên dạy dỗ sau này thi đỗ Cử nhân cùng khoa với ông, làm quan đến chức Viên ngoại lang Ngự sử đài[8].
Với bạn bè thì tỏ ra khoan dung, giúp đỡ, có một lần nhà người bạn học là Nguyễn Huy Giới ở Cát Xuyên bị nạn cháy nhà, ông có đến hỏi thăm, sau đó lại viết thư mừng, mừng rằng bao nhiêu thứ rác rưởi, rắc rối trong nhà đã được thần lửa thiêu đi hết, quét sạch những lo toan vụn vặt để cho tâm trí dồn vào việc hay, việc lớn, việc nên. Việc phải thế thì hoả hoạn đâu phải hoạn nạn, nên mừng đáng chúc tụng lắm chứ. Nhờ đó mà sau này ông Huy Giới thi đỗ Tú tài.
Đối với dân làng và mọi người, ông luôn giáo dục cách giữ mực thước ngay thẳng, không hề bị bẻ cong mà lại càng không bị khuất phục theo bè, theo đảng. Luôn vui vẻ, thân ái, luôn sẳn lòng giúp đỡ ai đó gặp lúc nhỡ nhàng. Trận lụt năm Đinh Mão (1867), làng xóm rất nhiều nhà bị trôi dạt, thế mà ông lại chèo một chuyến thuyền nhỏ đến từng nhà ôn tồn thăm hỏi. Khi gặp cảnh đói rét khốn cùng, ông bỏ tiền hoặc đi vay nhà giàu chu cấp cho họ. Cuốn “Hành trạng lược truyện” hiện lưu giữ tại dòng họ có ghi: Khi ông đang làm quan ở phủ, có gia đình ông Đội người Huế nhà chỉ có 2 vợ chồng và 1 con nhỏ, không may ốm nặng, ông đã chăm nom thuốc thang, giúp đỡ tiền của, nhưng không qua khỏi được, ông lo ma chay chu đáo. Khi hạ huyệt ông đứng trông nom đợi cho chôn cất mồ mả chu đáo, gọn gàng rồi mới ra về, ai thấy thế cũng khen ông là người ăn ở thuỷ chung, tĩnh nghĩa.
Có thể nói cuộc đời của Cổ Dam tiên sinh Lê Thận Ngôn thật ngắn ngủi, mặc dù chức vị chưa cao, cống hiến chưa dài, nhưng những điều phúc thiện mà ông đã làm thật đáng trân trọng và lưu truyền. Hình ảnh của ông là tấm gương sáng chói phản chiếu, soi rọi cho mọi thế hệ con cháu mai sau tiếp nối.
LÊ VĂN TOAN