Văn hóa đối ngoại của cha ông ta là luôn biết dùng tài trí, lấy nhu thắng cương, tranh thủ từng phút cho hòa bình, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thời đại mới có những điều kiện mới, những mối bang giao hoàn toàn khác trước, nhắc lại những bài học ngoại giao cũ hy vọng giúp mỗi người củng cố thêm bản lĩnh, ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc bằng giải pháp hòa bình.
Trong gần 9 thế kỷ hình thành và phát triển của lịch sử khoa cử Việt Nam (1075-1918), triều Lý là triều đại đầu tiên thực hiện chọn hiền tài bằng khoa cử. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông bắt đầu cho tuyển Minh kinh bác học (tức là những người học rộng, thông hiểu kinh thuật) và khoa thi Nho học tam trường, khai mở cho lịch sử khoa cử Việt Nam.
Theo sách cổ Danh tiết lục: Lê Văn Thịnh người làng Đông Cứu, huyện Gia Định (nay thuộc Gia Bình, Bắc Ninh), tính ham học. Bấy giờ (đầu triều Lý) chưa có khoa cử, dầu ai thông minh, lanh sáng đến đâu cũng phải do đường Phật giáo mà được lựa chọn đề bạt; riêng có Lê Văn Thịnh chăm đọc sách. Khoa thi năm 1075, lấy đỗ hơn 10 người, Văn Thịnh là người đỗ đầu. Ông là người khai khoa cho nền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam và cũng là mở đầu chính thức cho việc lựa chọn người đỗ Đại khoa vào tham gia chính quyền phong kiến.
Sau khi đỗ đại khoa, Lê Văn Thịnh “được lựa vào hầu vua học tập”. Đây là một trọng trách và cũng là một đặc ân mà vương triều Lý dành cho một trí thức Nho học vừa trúng tuyển, đồng thời, cũng là trường hợp hiếm thấy trong lịch sử trung đại Việt Nam. Công việc truyền đạt kiến thức cho đương kim hoàng đế, thường thuộc về chức trách của các vị đại thần nguyên lão, đạo cao đức trọng, có kiến thức quảng bác, được sự tín nhiệm cao của triều thần và kinh nghiệm sâu sắc trên chính trường. Lựa chọn Lê Văn Thịnh là một người giỏi cả Phật giáo lẫn Nho giáo, nhưng còn trẻ tuổi vào đảm đương “hầu vua học” là bước đột phá trong chính sách trọng dụng người tài của vương triều Lý. Như vậy, triều Lý cho tổ chức khoa thi đầu tiên không chỉ để chọn lấy những người tài có kiến thức, nhằm bổ sung, tăng cường cho đội ngũ quan chức của triều đình, mà còn cần tuyển lấy cả những người có trình độ học vấn cao về Nho học, để giúp vua nâng cao học vấn trong việc “trị quốc, bình thiên hạ”. Thông qua việc mở khoa thi Nho học, triều Lý hy vọng đạt được mục đích “nhất tiễn song điêu” (một phát tên, bắn được hai con chim).
Trong thời gian thường xuyên được hầu cận nhà vua học tập, đại khoa Lê Văn Thịnh đã góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng Nho giáo tới tầng lớp quý tộc nhà Lý-những người đứng đầu quốc gia Đại Việt ở thế kỷ XI-XIII, vốn rất sùng mộ Phật giáo.
Ngoài việc giảng giải kiến thức Nho học cho nhà vua, Lê Văn Thịnh còn đảm nhiệm nhiều chức vụ trọng yếu khác trên lĩnh vực quân sự, ngoại giao của triều Lý.
Những năm 70 của thế kỷ XI là thời kỳ căng thẳng, đụng độ quyết liệt giữa triều Lý và triều Tống. Sử sách ghi lại: “Trước đây, bọn Quách Quỳ sang xâm lấn, các châu Quảng Nguyên đều mất về tay nhà Tống, Tống đổi Quảng Nguyên làm Thuận Châu sai quan sang cai trị”. Sau đó, do sự đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận ngoại giao và hơn nữa gặp phải sự phản kháng dữ dội của đồng bào các dân tộc, khiến cho số quân Tống tạm đóng tại các vùng biên cương phía Bắc “ăn không ngon, ngủ không yên”, triều đình Tống buộc phải rút quân và trả lại cho triều Lý. Quốc sử nước ta chép: “… Hằng năm, trong số ba nghìn lính thú (phía Tống), chết đến năm, sáu phần mười. Kịp khi ta trả tù binh ba châu cho Tống, thì vua Tống nói: “Thuận Châu (tức Quảng Nguyên, Cao Bằng), là nơi lam chướng, dẫu được cũng không lợi gì, há lại nên dồn quân lính vào chỗ chết ư?”, bèn trả lại cho ta”. Chính việc Tống Nhân Tông phải lệnh cho triều thần trao trả vùng đất Quảng Nguyên, đã bị người đời Tống chế nhạo bằng câu thơ:
“Nhân tham Giao Chỉ tượng,
Khước thất Quảng Nguyên kim”
Nghĩa là: Vì tham voi của Giao Chỉ, nên đã mất đi vàng ở Quảng Nguyên.
Tuy vậy, cuộc đấu tranh giữa triều Lý với nhà Tống đòi trả lại những vùng đất còn bị xâm chiếm vẫn tiếp tục diễn ra vô cùng khó khăn, phức tạp. Năm Giáp Tý (1084), triều đình nhà Lý đã cử Lê Văn Thịnh với cương vị là Binh bộ Thị lang sang Quảng Tây nước Tống, để hội bàn với Tuần kiểm ty nhà Tống là Thành Trác giải quyết việc tranh chấp đất đai vùng biên. Nhằm mục đích quan trọng là giành lại lãnh thổ đã bị xâm chiếm cho đất nước, cho nên Lê Văn Thịnh thực hiện phương châm ngoại giao hết sức mềm dẻo, từ tốn theo cách “chỉ lấy lý lẽ mà giải thích”. Thái độ của Chánh sứ Lê Văn Thịnh khiến vua Tống phải nể phục và khen ông là người “biết cung kính, biết lẽ phải”. Trên thực tế, vị Chánh sứ của Đại Việt cũng rất kiên quyết và dứt khoát trong khi tranh luận đòi đất. Thư tịch triều Tống đã chép câu trả lời thể hiện quan điểm cứng rắn của ông: “Đất thì có chủ, các viên coi giữ mang nộp, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay, chúng lại mang đất trộm dâng, để làm nhơ bẩn sổ sách của nhà vua (triều Tống)”. Cho nên, Tống Thần Tông đành phải “bèn hạ chiếu trả lại cho ta 6 huyện Bảo Lạc và 6 động Túc Tang”.
Trong chuyến ngoại giao năm 1084, không chỉ hoàn thành xuất sắc trọng trách của triều đình giao phó: Giành lại nhiều vùng đất biên cương phía Bắc, mà bản thân Lê Văn Thịnh còn được vua Tống ban phong chức Long đồ các Đãi chế. Việc phong chức cho một vị Chánh sứ xuất thân từ khoa bảng như Lê Văn Thịnh, càng chứng tỏ rõ sự công nhận và nể phục của triều đình phong kiến Trung Hoa đối với trí thức Nho học Việt Nam thời Lý.
Trong công cuộc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia trên vùng biên cương phía Bắc của triều Lý vào thế kỷ XI-XIII, chúng ta không thể không nhắc đến những cống hiến xuất sắc của Binh bộ Thị lang Lê Văn Thịnh-vị đại khoa đầu tiên của Việt Nam trong lần xuất ngoại đàm phán năm 1084.