LÊ XUÂN TUYỂN (1831 – 1909)
Lê Xuân Tuyển sinh năm 1831 trong một gia đình khá giả ở thôn Đông Thành (nay thuộc xã Hoằng Tiến), có nghề làm ruộng và đánh cá biển.
Lúc nhỏ Lê Xuân Tuyển theo học với một bậc túc nho, giàu nhiệt huyết là cụ Hồ Quang Chiếu quê ở thôn Thục Bành (nay thuộc xã Hoằng Yến). Thấy Lê Xuân Tuyển thông minh và là người có chí khí, cụ Hồ Quang Chiếu đã gả con gái cho. Năm 21 tuổi, Lê Xuân Tuyển được tuyển vào đội lính thuỷ của triều đình Huế.
Trong những năm đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, từ 1858 đến 1864, ông được lệnh vận chuyển lương thực từ các tỉnh ở miền Bắc theo đường biển vào Huế nhằm tích trữ lương thực cho triều đình chống ngoại xâm. Các lần vận chuyển đều thông suốt, nên ông luôn được triều đình tặng thưởng và được thăng chức làm suất đội (năm 1863), thường được gọi là Đội Tám.
Cuối năm 1883, sau khi Tự Đức qua đời, được sự ủng hộ của một số đình thần yêu nước và các văn thân sĩ phu có nhiệt huyết ở các tỉnh, Thượng thư Tôn Thất Thuyết đứng đầu phe chủ chiến trong triều đã bí mật tích cực chuẩn bị cơ sở để quyết chiến với kẻ thù xâm lược. Đội Tám được Tôn Thất Thuyết giao nhiệm vụ chuyển thóc gạo từ các tỉnh Bắc Kỳ nhất là Thái Bình, Nam Định vào cửa Việt rồi bằng đường sông chở lên Tân Sở. Tại đây thóc gạo được tiếp tục phân phát đi các cơ sở thuộc các sơn phòng từ Quảng Trị ra Thanh Hoá.
Ngày 15 tháng 7 năm 1884, thực dân Pháp đưa quan đột nhập kinh thành Huế. Lúc này, sau khi tham gia xây dựng và vận chuyển lương thực về Tân Sở, Đội Tám được Tôn Thất Thuyết cử về đóng giữ Sơn phòng Hà Tĩnh.
Ngày 5-7-1885, cuộc đánh úp Pháp ở kinh đô Huế không thành, Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi rời kinh thành, đến Tân Sở xây dựng triều đình kháng chiến và ngày 13-7-1885 Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi các văn thân, sĩ phu đứng lên chống giặc. Lúc này đang đóng giữ sơn phòng Hà Tĩnh, Đội Tám đã tích cực vận động các thân hào, thân sĩ từ Hà Tĩnh đến Nghệ An, Thanh Hoá tham gia phong trào Cần Vương. Trên cơ sở đó, ông đã được nhiều nhà khoa bảng trong vùng như Nguyễn Xuân Ôn (Nghệ An), Tống Duy Tân, Phạm Bành (Thanh Hoá), biết tiếng là người “Trung quân ái quốc” theo phong trào Cần Vương kháng chiến, cứu nguy cho dân tộc.
Cuối 1885, trở về địa phương, ông liên lạc với phó bảng Nguyễn Đôn Tiết cùng nhiều thủ lĩnh Cần Vương ở Hoằng Hoá và Hậu Lộc, ông tích cực tập hợp lực lượng nghĩa quân ở tổng Ngọc Chuế, sắm sửa vũ khí, tập luyện vũ trang, tích trữ quân lương. Gia đình ông được tổ chức thành cơ sở quân lương ở miền biển Hoằng Hoá với sự đóng góp lớn tài sản của ông và nhiều nhà giàu quanh vùng. Khi Ba Đình được xây dựng thành căn cứ, ông được Phạm Bành và Đinh Công Tráng mời ra làm chánh đề đốc nghĩa binh Ba Đình.
Bởi ý chí bình Tây phục quốc và tài nghệ của một võ quan thuỷ binh, ông hăng hái luyện tập nghĩa quân Ba Đình và tham gia chiến đấu đẩy lùi nhiều trận tiến công của địch.
Đầu năm 1887, Ba Đình thất thủ, kẻ địch điên cuồng đàn áp phong trào, gia đình ông bị giặc tàn phá. Toàn bộ tài sản bị thiêu huỷ, nhưng ông lánh nạn được an toàn.
Cuối năm 1890 ông trở về quê trong sự đùm bọc của nhân dân rồi sau đó được nhân dân ủng hộ và nhất là có sự giúp đỡ của bên ngoại (vợ ông), kinh tế gia đình được phục hồi. Bản thân ông lại đem sức lực và tiền của xây dựng cầu cống cho dân làng, tu sửa đền chùa, mở mang dân trí. Hai người con trai của ông đều được chăm sóc học tập và đã thi đậu tú tài cùng 1 khoá vào năm 1900, được phong “Hàn lâm Thị độc”, về sau có người trở thành thầy đồ nổi tiếng trong vùng, góp nhiều công sức đào tạo nhiều học trò có tâm huyết với dân với nước. Năm 1909, ông mất ở quê nhà[1].
Một đoạn trong gia phả họ Lê Xuân đã ghi:
“ Ông có đức tính trung thực, kính ái, giữ gìn bản thân, rộng lượng đối với người khác, cư xử tốt đối với bạn bè, không coi của hơn người, đối với dân làng không bủn xỉn, việc tế lễ kịp thời, tổ chức yến ẩm rất chí tình.
Trải qua 10 lần ở chiến trường, 3 năm đạn lạc tên rơi, tuy vất vả nhưng hạnh phúc, may mắn, gian nguy nhưng được trọn vẹn, báo đáp trung hiếu chu toàn. Khi còn trẻ tuy học ít nhưng ứng biến nhanh nhẹn, lâm cơ không chịu khuất kẻ cầm quyền. Ngộ sự không nhường lời người văn sĩ, có công tu sửa đền chùa, bắc cầu, dựng bia không quản tốn kém”.