HLVN – Nhiều dòng họ bị chia cách từ hàng trăm năm trước, đang được các thế hệ con cháu nỗ lực tìm kiếm, nối kết tỏ tường họ tộc.
Gia phả họ Nguyễn Hữu ở Phù Lưu Tế ghi rõ cụ Lê Đạo là Nguyễn Hữu Đạo – Ảnh: THÁI LỘC
“Khi tìm về cội nguồn tổ tiên, dường như có bề trên chỉ dẫn nên tôi giải đáp được nhiều vấn đề liên quan đến ông tổ mình và mối quan hệ ruột thịt với họ Nguyễn Hữu ở làng Phù Lưu Tế”- TS Lê Văn Nho
Trong những ngày này, tại cánh đồng Thấm của làng Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Nội), công trình tôn tạo khu lăng mộ của quốc vương Tư Tề, con trai trưởng của đức Thái tổ Lê Lợi, đang bước vào giai đoạn khẩn trương hoàn thành trong sự háo hức của con cháu họ Lê trên khắp cả nước.
Câu chuyện khởi đầu từ TS Lê Văn Nho, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y – dược Đà Nẵng. Ông đã dành thời gian, tâm huyết để tìm hiểu về ông tổ của mình, qua đó minh định về cuộc đời, sự nghiệp của vị quốc vương có nhiều ẩn khuất trong lịch sử.
Băn khoăn tìm kiếm
TS Lê Văn Nho thuộc đời thứ 20 họ Lê làng Lệ Sơn (Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng). Mấy năm trước, trong một buổi lễ tôn vinh con cháu có thành tích xuất sắc, TS Nho đã nêu ra những điều băn khoăn về ngài thủy tổ Lê Đại Độ của họ Lê ở Lệ Sơn, rằng: Nguyên quán ngài ở đâu? Tên họ gốc là gì? Đến Quảng Nam vào năm nào? Khi về Bắc thì mất ở đâu và mộ phần ở đâu? Bao nhiêu người vợ, và mộ phần của họ?… Những thắc mắc ấy xuất phát từ ghi chép trong gia phả họ Lê: “Ngài Lê Đại Độ là thế tổ thứ nhất nguyên gốc Thần Phù trấn Nghệ An, vào Quảng Nam dinh vào khoảng trước, sau năm 1430-1500 khai lập tộc Lê làng Lệ Sơn. Đến già ngài về Bắc từ trần và an táng tại quê nhà, không rõ mộ phần”. Những thắc mắc của TS Nho không được các bác trong họ trả lời vì chưa rõ cội nguồn.
20 năm trước, họ Lê làng Lệ Sơn đã từng cử đại diện lên đường ra Bắc tìm manh mối về ngài tổ, từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Thanh Hóa, Ninh Bình vô vọng; ngay cả Ban liên lạc họ Lê Việt Nam tại Hà Nội cũng không lần ra được.
Nhờ quyết tâm, bền bỉ, TS Nho đã tìm ra ngài Lê Đại Độ chính là Lê Đạo (Độ), con trai của Lê Trừ và gọi Lê Lợi bằng chú ruột. Ngài từng tham gia cuộc bình Chiêm đất phương Nam và được sai phái đến đất Quảng Nam ngày nay lập ấp dựng nghiệp, trở thành thủy tổ họ Lê làng Lệ Sơn. Nơi ngài về Bắc mất là làng Phù Lưu Tế bên kia sông Đáy, nay là xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Nội).
Khu lăng ghi là mộ tổ dòng họ Nguyễn Hữu ở Phù Lưu Tế, Hà Nội, vừa được xác định là của cụ Lê Đạo – Ảnh: THÁI LỘC
Bất ngờ nối tiếp
Một ngày giữa năm 2016, TS Nho nối kết được với ông Nguyễn Hữu Thủy, trưởng họ Nguyễn gốc ở Phù Lưu Tế. Ông Thủy dẫn TS Nho ra nhà thờ họ Nguyễn Hữu. Thật bất ngờ, phả đồ tộc Nguyễn Hữu treo ở đây được chia làm 2 phần: phần trên ghi họ Lê là Lê Khoáng sinh ra Lê Học, Lê Trừ và Lê Lợi. Lê Trừ sinh ra Lê Đạo, và còn chú thêm dòng “Cụ Lê Đạo chính là cụ Nguyễn Hữu Đạo”. Phần dưới nối tiếp của phả đồ tất cả đều là họ Nguyễn Hữu, tính từ Nguyễn Hữu Đạo…
Từ bao đời, dòng họ Nguyễn Hữu ở Phù Lưu Tế truyền lại với con cháu là gốc Lê cải sang họ Nguyễn nhưng không rõ nguyên do. Đến năm 2010, khi trưởng họ Nguyễn Hữu Thủy đến ăn giỗ bên nhà thờ họ Lê ở thị trấn Tế Tiêu, người ở đây bất ngờ tìm thấy văn bản xưa ghi cụ thể việc cải họ ấy. Đem về, hội đồng họ Nguyễn Hữu mới bàn và đưa vào gia phả nội dung cải họ bắt đầu từ cụ Nguyễn Hữu Đạo chính là Lê Đạo; hội đồng dòng Nguyễn Hữu chính thức lập tông đồ đưa lên nhà thờ cho con cháu biết. Song, mọi chuyện vẫn dừng lại ngang đó chứ không có manh mối gì thêm.
Nay đối chiếu những mảnh ghép dòng họ với những điểm trùng khớp kỳ lạ, hai bên thống nhất: họ Nguyễn Hữu ở Phù Lưu Tế và họ Lê ở Lệ Sơn có cùng ông tổ là Lê Đạo (Nguyễn Hữu Đạo). Mộ thủy tổ Lê Đạo nằm ở xứ Chùa Am ven dòng sông Đáy.
Bổ sung khuyết sử
Sau đó, TS Nho tiếp tục tìm được những văn bản và chứng cứ chứng minh việc cải họ của cụ tổ Lê Đạo là theo Lê Tư Tề, con trai cả đức Thái tổ Lê Lợi, người được vua Lê Thái Tổ ban tước vương. Sau khi bị giáng xuống làm thường dân, Lê Tư Tề mới cải sang họ Nguyễn Hữu để mai danh ẩn tích. Là người theo phò Tư Tề vương, Lê Đạo phải đổi sang họ Nguyễn Hữu tương tự chủ tướng của mình.
Sự việc trong lịch sử được TS Nho diễn giải như sau: Lê Đạo và Lê Tư Tề theo Lê Lợi kháng Minh từ những năm đầu dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Sau thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (1428), nhà Hậu Lê bắt đầu có sự tranh giành ngôi vương giữa nhánh trưởng Tư Tề và nhánh thứ Nguyên Long, hình thành phe phái ủng hộ các bên. Sau khi quyết định nhường ngôi cho con thứ Nguyên Long (vua Lê Thái Tông), năm 1433, trước khi băng hà, vua Lê Lợi đã giáng Lê Tư Tề từ tước quốc vương xuống quận vương. Năm 1438, Tư Tề tiếp tục bị em trai là vua Lê Thái Tông giáng xuống làm thường dân, nên phải cùng những người hầu cận (gồm cả Lê Đạo) dạt về vùng ven sông Đáy ngày nay, cải sang họ Nguyễn để bảo toàn tính mạng.
Phát hiện mộ Lê Tư Tề
Lăng mộ Lê Tư Tề ở Phù Lưu Tế (Hà Nội) suốt thời gian dài ghi là họ Nguyễn – Ảnh: THÁI LỘC
Sau một thời gian thu thập, tra cứu, TS Nho xác định rõ ngôi mộ nhỏ đề “Tổ ông họ Nguyễn Hữu” ở cánh đồng Thấm, làng Phù Lưu Tế, Hà Nội là của Tư Tề vương, và ngày mất là 9-9 âm lịch (năm 1492), thọ 71 tuổi. Trong nhiều năm liền, khu lăng mộ đơn sơ không ai nghĩ tới đó chính là của ngài con trưởng đức vua Lê Thái Tổ.
Sau khi mở đợt vận động, cả con cháu ngài Tư Tề lẫn nhiều nhà hảo tâm khác đã tích cực tham gia đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng một khu lăng có quy mô to lớn hơn (sẽ hoàn thành vào tháng 3-2019) để tương xứng với người từng kế vị Lê Thái Tổ nhưng bất thành.